Giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Do vậy các phương pháp giáo dục trẻ ở độ tuổi này cần hết sức được chú tâm. Hiện nay, phương pháp giáo dục STEAM cho trẻ mầm non đang trở thành xu hướng được nhiều nhà giáo dục quan tâm. Vậy STEAM là gì và nó mang lại những lợi ích gì cho trẻ mầm non? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chủ đề này.
Tóm Tắt
Khái Niệm Và Lợi Ích Của STEAM Cho Trẻ Mầm Non
STEAM, viết tắt của Science, Technology, Engineering, Art, và Maths, là một phương pháp giáo dục tích hợp các môn học khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Khác với phương pháp giảng dạy truyền thống, STEAM tập trung vào việc học thông qua thực hành và trải nghiệm.
Hiện nay có rất nhiều trường học đã ứng dụng STEAM vào phương pháp giảng dạy và đạt được nhiều kết quả tốt. Các bé được học tập và thực hành song song không bị giới hạn sức sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Chưa hết, các bé còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả hơn rất nhiều bởi vì trẻ phải hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn chứ không phải là người đưa đáp án cho con như phương pháp học truyền thống.
STEAM tập trung vào việc học thông qua thực hành và trải nghiệm
Lợi Ích Của Phương Pháp STEAM Cho Trẻ Mầm Non
Phương pháp tìm đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ nhỏ dưới đây là một số ưu điểm điển hình của phương pháp này
Phát Triển Tư Duy Logic Và Sáng Tạo
Trong giáo dục STEAM, trẻ em được khuyến khích suy nghĩ độc lập và tìm ra cách giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua các hoạt động thực tế. Ví dụ, khi trẻ tham gia một thí nghiệm khoa học đơn giản như quan sát sự nảy mầm của hạt giống, các bé không chỉ học được về quá trình sinh trưởng của thực vật mà còn phải suy nghĩ về các yếu tố ảnh hưởng như ánh sáng, nước và đất.
Khuyến Khích Kỹ Năng Giải Quyết Vấn Đề
Một trong những điểm mạnh của giáo dục STEAM cho trẻ mầm non là khuyến khích trẻ học cách đặt câu hỏi, thử nghiệm và tìm ra giải pháp thông qua các dự án nhỏ và thí nghiệm. Trẻ sẽ tự đặt ra vấn đề sau đó giải quyết cùng nhau. Điển hình là khi cần xây dựng 1 cây cầu bằng que kem, bé sẽ phải suy nghĩ về cách làm thế nào để cầu có thể chịu được trọng lượng, cũng như làm sao ráp lại cho chắc chắn nhất. Trẻ sẽ thử nhiều phương án, đối mặt với thất bại và học cách cải tiến thiết kế của mình. Quá trình này giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách học từ sai lầm và kiên trì tìm kiếm giải pháp tối ưu.
Xây cầu bằng que kem sao cho chắc chắn?
Tạo Nền Tảng Cho Kỹ Năng Hợp Tác Và Giao Tiếp
Trong các hoạt động STEAM cho trẻ mầm non, làm việc nhóm là yếu tố không thể thiếu. Khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nhóm nào, trẻ đều được chia sẻ ý tưởng của mình, học cách thuyết phục người khác và cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ như lắp ráp thành phố thu nhỏ từ LEGO, mỗi bé sẽ đảm nhận một phần khác nhau như thiết kế nhà cửa, công viên hay giao thông. Quá trình này không chỉ giúp trẻ hiểu rõ hơn về vai trò của từng thành viên trong nhóm mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thương lượng và giải quyết mâu thuẫn.
Khơi Dậy Sự Tò Mò Và Ham Học Hỏi
STEAM cho trẻ mầm non chú tâm vào việc kích thích sự tò mò tự nhiên của trẻ. Giáo viên sẽ đóng vai trò gợi ý chứ không trực tiếp đưa ra đáp án. Bé sẽ dần hiểu được rằng con có thể thực hiện 1 thí nghiệm bằng nhiều cách khác nhau, điều này khuyến khích sự tò mò của con nhiều hơn nữa, khiến trẻ luôn háo hức tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh.
Cách Triển Khai STEAM Trong Giáo Dục Mầm Non
Để áp dụng STEAM cho trẻ mầm non và giúp bé dễ tiếp thu hơn thì có 2 cách.
Trong Lúc Vui Chơi
Học hỏi stream trong lúc vui chơi là một phương pháp vô cùng hiệu quả Bạn có thể áp dụng thông qua trò chơi Chìm hay nổi.
Chuẩn bị:
- Sỏi, lá cây, giấy, miếng xốp, bông hoa, đất nặn… bất cứ vật gì có kích thước nhỏ gọn.
- Một chậu nước nhỏ.
Cách thực hiện:
Đầu tiên, bạn đặt câu hỏi xem con sẽ làm gì với các đồ vật và chậu nước để trẻ tư duy theo nhiều hướng. Sau đó, cho con thả các đồ vật vào chậu. Bạn sẽ yêu cầu bé ghi lại vật nào có thể nổi trên mặt nước còn vật nào chìm dưới nước. Cuối cùng bạn đặt câu hỏi vì sao vật ấy nổi chìm và yêu cầu bé giải thích. Câu hỏi khó về khối lượng này sẽ giúp tư duy bé mở mang nhiều hơn đồng thời cũng biết được vì sao mình không nên vui chơi ở các ao, hồ, sông, suối.
Tại sao bông hoa có thể nổi trên mặt nước, còn sỏi thì không?
STEAM Cho Trẻ Mầm Non Thông Qua Các Dự Án Nhỏ
Trẻ từ 4 đến 5 tuổi có nhu cầu khám phá thế giới và thể hiện bản thân rất cao vậy nên sẽ vô cùng hiệu quả nếu ba mẹ cho con tham gia vào các dự án nhỏ.
Tự trồng cây: trẻ sẽ có cơ hội nghiên cứu về giống cây trồng mà mình muốn cũng như quy trình gieo hạt, tưới nước, cho cây tắm nắng phù hợp để cây phát triển một cách tốt nhất. Sau khi đã trồng được cây, ba mẹ có thể hỗ trợ con tiếp tục với giống cây mới để con tự xây dựng lên một khu vườn nhỏ
Vẽ tranh, làm đồ thủ công từ nguyên liệu tái chế: Động này sẽ kích thích sự sáng tạo của con một cách vô cùng hiệu quả. Hơn nữa còn rèn cho con ý thức bảo vệ môi trường, Bảo vệ trái đất xanh sạch đẹp.
Trò chơi xây dựng: Việc sử dụng các khối LEGO để tạo nên các công trình hoặc những phương tiện giao thông tân tiến cũng là cách học hỏi STEAM cho trẻ mầm non hiệu quả, thậm chí còn có một cuộc thi về hoạt động này.
Xây dựng thành phố bằng LEGO còn giúp phát triển khả năng liên tưởng
Giáo dục STEAM cho trẻ mầm non không chỉ mang lại những lợi ích về mặt tư duy và kỹ năng mà còn khơi dậy niềm đam mê học hỏi trong trẻ. Việc kết hợp STEAM vào chương trình giáo dục mầm non là một bước chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.