Bé nhà mình đã bước sang tháng thứ 9 mà vẫn chưa biết tự mình ngồi lên. Hẳn là mẹ lo lắng lắm, bởi xung quanh, các em bé 9 tháng đã có thể ngồi vững từ lâu, và có khi còn bò rất thành thạo nữa. Lo lắng của mẹ không phải là không có căn cứ. Nhưng hãy thử cùng MON tìm hiểu gốc rễ của vấn đề. Liệu bé có phát triển bình thường không? Liệu mẹ đã làm sai ở bước nào? Và nếu vậy, có cách nào để khắc phục tình hình này không?
Tóm Tắt
1. Bé mấy tháng biết ngồi? Bé 9 tháng chưa biết ngồi có sao không?
Thông thường các em bé sẽ tập ngồi và ngồi vững trong khoảng thời gian từ 4-9 tháng tuổi. Đầu tiên bé biết ngồi là khi mẹ đặt bé vào tư thế ngồi, bé có thể giữ nguyên tư thế mà không cần hỗ trợ. Nhiều em bé thành thạo kỹ năng này và khoảng 6 tháng. Đây cũng là lúc đa số trẻ nhỏ bước vào giai đoạn ăn dặm. Kỹ năng ngồi thực sự quan trọng và kéo theo nhiều mốc phát triển khác.
Cột mốc tiếp theo là bé có thể tự mình ngồi dậy từ tư thế nằm hoặc bò. Để có thể làm được bé cần có khả năng kiểm soát cơ đầu và cổ tốt, phối hợp nhịp nhàng với cử động của cánh tay, cơ bụng, lưng và chân. Trẻ 9 tháng chưa cứng cổ thì khó có thể kiểm soát đầu tốt để giữ thăng bằng cho tư thế ngồi.
Bé 9 tháng chưa biết ngồi có sao không?
Tại sao lại có khoảng thời gian trải rộng từ 4-9 tháng này nhỉ? Đó là bởi mỗi em bé là một cá thể riêng biệt có tốc độ phát triển không hề giống nhau. Em có thể phát triển rất nhanh ở mặt này và vì thế mà chậm hơn ở một mặt khác. Ví dụ thường mẹ sẽ thấy một em bé biết nói sớm thì có thể biết đi muộn hơn một chút. Rất có thể bé 9 tháng chưa biết đứng, bé 9 tháng chưa mọc răng hay chưa biết ngồi, mẹ đừng quá sốt ruột.
Mẹ thấy không em bé nhà mình có thể cần nhiều thời gian hơn một chút để có thể đạt được kỹ năng ngồi. Vì thế mẹ hãy yên tâm đọc tiếp để tìm cách hỗ trợ bé nhé.
2. Vì sao bé chậm ngồi?
Các nghiên cứu cho thấy không chỉ có các yếu tố sinh học như trí não và sự phát triển thể chất mà còn có sự góp phần không nhỏ bởi môi trường vào quá trình tự ngồi dậy của một em bé. Trong mục này, chúng ta cùng xem xét liệu rằng mẹ có vấp phải những nguyên nhân khách quan đến từ môi trường không nhé!
- Nếu mẹ cho bé mặc đồ quá rộng hoặc quá chật sẽ làm cản trở khả năng tự do vận động của bé. Do đó bé không được tạo cơ hội để thoải mái luyện tập các động tác chuẩn bị cho việc ngồi như nằm sấp, chống tay, đá chân… Chính những cử động đơn giản hàng ngày này góp phần củng cố, gia tăng sức bền cho hệ cơ xương của bé.
- Bé bị đặt vào địu, xe tròn tập đi, ghế nhún… trong thời gian dài hoặc được bế quá nhiều. Đây là những hành vi thường thấy của người lớn nhưng vô tình gây áp lực lên hông và khiến em bé trở nên bị động, không có cơ hội luyện tập khả năng kiểm soát cơ thể.
- Bé không có nếp sinh hoạt hoặc nếp sinh hoạt không phù hợp với độ tuổi. Đối với em bé sơ sinh, ăn – ngủ – chơi luôn tác động qua lại lẫn nhau. Ăn đủ chất và lượng, bao gồm cả ăn dặm đúng thời điểm sẽ cung cấp cho cơ thể bé nguồn năng lượng cần thiết để ngủ thật ngon và thật sâu, cũng như để hoạt động thật vui vẻ. Giấc ngủ của trẻ 9 tháng tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và các kỹ năng. Nhờ ngủ tốt, cơ thể sản sinh đủ các hormone cần thiết, đồng thời bé tỉnh táo và hào hứng với vận động. Và cuối cùng nhờ vận động linh hoạt, bé được kích thích ăn ngon, tiêu hóa tốt để có thể phát triển đầy đủ về thể chất.
Ngoài ra việc đánh giá bé biết ngồi sớm hay muộn còn bị ảnh hưởng bởi tuổi thực của bé. Nếu bé sinh non, mẹ cần tính tuổi thực của bé dựa trên ngày dự sinh ban đầu. Ví dụ nếu so với lúc chào đời, hiện tại bé 9 tháng nhưng mẹ sinh sớm 2 tháng thì độ tuổi thực của bé mới chỉ 7 tháng. Trong trường hợp này, bé có thể mất thêm 1-2 tháng nữa để có thể học được cách ngồi thành thạo.
Bé tập ngồi
3. Mẹ nên làm gì khi bé 9 tháng chưa biết ngồi?
Mẹ có thể hiểu đơn giản rằng để có thể ngồi vững, bé cần có nhiều cơ hội để thực hành các kỹ năng chuẩn bị cho việc ngồi. Quá trình này cần bắt đầu càng sớm càng tốt, với những hoạt động phù hợp với lứa tuổi của bé.
Nếu bé 9 tháng mẹ mới bắt đầu thì cũng không sao cả, quan trọng là làm sao hỗ trợ bé đạt được các mốc vận động cần thiết. Sau khi biết ngồi, bé còn bao dấu mốc cần làm chủ và khám phá.
Mẹ hãy kiên nhẫn cùng bé thường xuyên thực hiện các bài tập hỗ trợ vận động đơn giản mà hiệu quả sau đây:
- Mẹ khuyến khích bé nằm sấp nhiều nhất có thể vào tất cả những khoảng thời gian phù hợp trong ngày. Chỉ cần tránh thời điểm sau khi bé mới ăn no, còn lại mẹ nên đặt bé nằm sấp để chơi, trò chuyện hoặc đọc sách, giúp bé tập kiểm soát đầu và chống tay. Mẹ có thể dùng đồ chơi di chuyển chậm để bé tập quay đầu linh hoạt theo các hướng. Nếu mẹ cùng nằm sấp với bé, bé sẽ hào hứng hơn nhiều.
- Mẹ cho bé làm quen với tư thế ngồi bằng cách đặt bé ngồi tựa vào lòng mẹ. Lúc này hai mẹ con có thể cùng nhau đọc một cuốn sách tranh. Mẹ cũng có thể đặt bé ngồi tựa vào gối và chơi các trò chơi ngồi đối mặt như ú òa.
- Mẹ tập cho bé những bài tập củng cố cơ bắp như massage trước hoặc sau khi tắm, cầm chân bé để tập động tác đạp xe hay gập bụng theo cách nắm tay bé và kéo từ tư thế nằm lên tư thế ngồi.
Mẹ cùng bé đọc sách trong tư thế ngồi
4. Khi nào mẹ thực sự cần lo lắng?
Mẹ đã thấy bé 9 tháng chưa biết ngồi không phải là vấn đề quá đáng ngại. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể đánh giá một kỹ năng đơn lẻ để kết luận là sớm hay muộn, bé phát triển bình thường hay không bình thường mà cần xem xét dựa trên tổng thể. Mẹ hãy quan sát bé theo một số gợi ý sau đây. Và nếu cảm thấy hoang mang lo lắng, mẹ cho bé đi khám càng sớm càng tốt nhé. Các bác sĩ chuyên khoa với đầy đủ kiến thức và bề dày kinh nghiệm sẽ có cái nhìn chuẩn xác để can thiệp đúng cách và đúng thời điểm.
- Bé đang bị tụt lại phía sau một khoảng cách đáng kể về các mốc vận động cần đạt được để có thể ngồi như không tự nhấc đầu lên sau 2 tháng tuổi, không thể kiểm soát đầu khi được 6 tháng tuổi.
- Các động tác phối hợp chuyển động của bé có vẻ cứng nhắc và khó khăn.
- Bé không thể hiện các hành vi xã hội như biết cười, giao tiếp bằng mắt và tương tác với mẹ.
- Khi được 6 tháng, bé không chịu với tay lấy đồ vật, phản ứng với âm thanh hoặc lật sấp/lật ngửa.
Khi đã biết ngồi, em bé còn biết bao dấu mốc đang chờ đón ở phía trước như biết bò, biết đứng, biết đi hay biết nói…Mẹ hãy đồng hành cùng con để giúp con được phát triển một cách toàn diện nhé!